Lịch sử Hangul

Một trang trong Hunmin Jeong-um (Huấn dân chính âm). Cột chữ Hangul, 나랏말ㅆ̖미, có các dấu phụ phát âm bên trái các đơn vị âm tiết.

Chosŏn'gŭl được vị vua thứ tư của nhà Triều TiênTriều Tiên Thế Tông (1418-1450) sáng tạo với sự góp sức của các nhân sĩ trong Tập hiền điện (集賢殿, 집현전. Chiphyŏnjŏn).[8] Cũng có một số chi tiết cho thấy vua Thế Tông có lẽ được các thành viên vương tộc hỗ trợ và làm việc trong vòng bí mật vì gặp phải phản đối của tầng lớp trí thức ưu tú.

Hệ thống chữ viết này hoàn thành vào cuối tháng 12 năm 1443 hoặc tháng 1 năm 1444, và ấn bản năm 1446 trong một tài liệu có tựa Huấn dân chính âm (Hunmin Jeong-eum) và đó cũng là tên của hệ thống ký tự mới này[6]. Ở Hàn Quốc, ngày ấn bản của Huấn dân chính âm, 9 tháng 10, là một ngày lễ mang tên ngày Hangul tại Hàn Quốc. Tại CHDCND Triều Tiên đó là ngày 15 tháng 1.

Một huyền thoại xưa kể rằng vua Thế Tông nhận ra các chữ viết này sau khi tìm hiểu một ma trận phức tạp, nhưng điều võ đoán này không còn giá trị nữa từ khi một tài liệu viết năm 1446 có tên gọi Huấn dân chính âm giải lệ (Hunminjŏngŭm Haerye) được phát hiện vào năm 1940. Tài liệu này giải thích cặn kẽ vì sao những chữ cái này được thiết kế. (Xem Thiết kế chamo.)

Vua Thế Tông giải thích việc ông tạo ra chữ viết mới là vì chữ Hán (Hancha) dùng cho các văn bản tiếng Triều Tiên thường không chính xác và khó phổ cập cho tầng lớp bình dân (Huấn dân chính âm có nghĩa là "Âm chuẩn để giáo dục dân"), vì vậy người dân cần có một thứ chữ mới giúp nhanh chóng và dễ dàng xóa nạn mù chữ của họ. Huấn dân chính âm giải lệ viết rằng, một người thông minh có thể học xong Chosŏn'gŭl trong vòng một buổi sáng, còn những người khù khờ thì cũng chỉ cần mười ngày[9]. Vào thời điểm đó, chỉ có những người đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc (lưỡng ban) (yangban 兩班) mới được học đọc và viết Hanja. Và vì toàn bộ văn bản viết bằng Hanja nên đa số người Triều Tiên đều mù chữ.

Chosŏn'gŭl bị tầng lớp trí thức ưu tú phản đối kịch liệt, cho rằng chỉ có Hancha mới là chữ viết hợp pháp duy nhất, đồng thời họ cũng e sợ địa vị xã hội và chính trị của họ sẽ bị Chosŏn'gŭl đe dọa. Những phản đối của Thôi Vạn Lý (崔萬里, 최만리, Ch'oe Malli) và các nhà hủ Nho khác vào năm 1444 là một ví dụ cụ thể.[8] Dầu sao thì hệ thống ký tự mới này nhanh chóng phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là nữ giới và những nhà văn tầng lớp dưới[10]. Tuy nhiên sau đó triều đình thờ ơ hơn với Chosŏn'gŭl. Trước tình hình người dân có thể nhanh chóng truyền đi các thông tin "nguy hiểm" thông qua hệ thống ký tự Chosŏn'gŭl, Yên San Quân (1494-1506), vị vua thứ 10 của nhà Triều Tiên cấm việc học và sử dụng Chosŏn'gŭl cũng như cấm hẳn các tài liệu Chosŏn'gŭl vào năm 1504[11], và vua Trung Tông (1506-1544) xóa bỏ luôn Bộ Hanja vào năm 1506[12]. Đến lúc này chỉ có phụ nữ và những người không được học hành tử tế mới dùng Chosŏn'gŭl.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào cuối thế kỷ XVI Chosŏn'gŭl trở nên thịnh đạt dần cùng với sự phát triển của hai trào lưu thi ca là Kasa (歌詞) và Sijo (時調). Trong thế kỷ XVII, các tiểu thuyết viết bằng Chosŏn'gŭl trở thành "mốt",[13] mặc dù việc sử dụng Chosŏn'gŭl vẫn chưa được xem là hợp pháp.[10]

Vào cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên phát triển mạnh mẽ khi Nhật Bản muốn tách Triều Tiên ra khỏi vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Chosŏn'gŭl từ đó trở thành một biểu tượng quốc gia dân tộc đối với một số nhà cách mạng. Cuộc cải cách Giáp Ngọ (갑오 개혁) do các nhà chính trị theo Nhật khởi xướng đưa đến việc Chosŏn'gŭl được chọn dùng trong các tài liệu chính thức lần đầu tiên vào năm 1894.[11] Nó được dạy trong các trường phổ thông vào năm 1895, và vào năm 1896 tờ báo Độc lập tân văn (獨立新聞, 독립신문, Tongnip Sinmun) viết bằng tiếng Anh và Chosŏn'gŭl ra đời.[14]

Sau khi Triều Tiên bị Nhật Bản thôn tính vào năm 1910, Chosŏn'gŭl vẫn được dạy tại các trường học kèm với tiếng Nhật, tuy nhiên sau đó bị cấm vì chính sách đồng hóa văn hóa của Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hangul http://www.declan-software.com/korean http://100.empas.com/dicsearch/pentry.html?s=K&i=2... http://www.l-ceps.com/en/korean/learn-korean-ptrai... http://www.langintro.com/kintro/toc.htm http://www.omniglot.com/writing/korean.htm http://www.paregabia.com/data/photo_hangul/hangul_... http://doquangtu.tistory.com/18 http://www.koreatimes.co.kr/www/news/nation/2009/0... http://english.yonhapnews.co.kr/national/2009/08/0... http://korea.assembly.go.kr/history_html/history_0...